Căn bệnh ung thư nào có tỷ lệ mắc mới lớn nhất tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 2, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, vươn lên vị trí số một về tỷ lệ mắc mới.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, ung thư gan là một trong 5 loại ung thư gây tử vong hàng đầu với gần 800.000 ca tử mỗi năm.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư gan tăng rất nhanh trong vòng 20 năm qua. Năm 2000, số ca mắc mới ung thư gan tại nước ta chỉ có 5.700 ca, sau đó tăng lên 9.400 ca năm 2010.



Mỗi năm có khoảng 25.000 người Việt tử vong vì ung thư gan


GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết theo Globocan 2018, tại Việt Nam, ung thư gan là bệnh thường gặp nhất ở hai giới với 25.335 trường hợp mắc mới, trong đó riêng nam giới chiếm hơn 19.500 ca. Đáng nói là số ca tử vong do ung thư gan tại nước ta gần tương đương với số ca mắc mới.

Tại Việt Nam, sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 2, hiện ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, vươn lên vị trí số một về tỷ lệ mắc mới.

Trung bình cứ 100.000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan. Với tỷ lệ này, Việt Nam xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ, chỉ đứng sau Mông Cổ (tỷ lệ 93,7/100.000 dân), Ai Cập (32,2), và Gambia (23,9). Vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt thuộc về Lào (22,4) và Campuchia (21,8), vị trí thứ 8 thuộc về Thái Lan (21).


Tỷ lệ mắc ung thư gan tại Việt Nam hiện đã dẫn đầu so với ung thư phổi, xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ.


Lý giải nguyên nhân này, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết tỷ lệ tử vong ung thư gan lớn do có tới 80-90% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, lúc này các biện pháp can thiệp, điều trị rất hạn chế. Trong khi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng điều trị rất tốt.

TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Ngoại gan mật tụy, Bệnh viện K, cho biết căn bệnh này gồm có ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Ung thư gan nguyên phát phát triển từ các tế bào trong gan, ung thư gan thứ phát do các tế bào ung thư ở các bộ phận khác của cơ thể và đi vào gan gây ra các khối u di căn.


Nguyên nhân gây ung thư gan

Theo các chuyên gia của Bệnh viện K, 80% bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) có biểu hiện của xơ gan, do đó các yếu tố nguy cơ của xơ gan cũng được xem là yếu tố nguy cơ của HCC.

Bên cạnh đó, việc nhiễm virus viêm gan B làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào gan 100 lần. Khoảng 80% các trường hợp mắc ung thư biểu mô tế bào gan trên thế giới và khoảng 70% ở Việt Nam là do virus viêm gan B gây ra. Mỗi năm có khoảng 0,5% những người nhiễm virus viêm gan B mạn tính sẽ phát triển thành ung thư biểu mô tế bào gan.

Nguyên nhân tiếp theo gây ung thư gan là virus viêm gan C, chiếm khoảng 30-50% các trường hợp mắc ung thư biểu mô tế bào gan ở Mỹ, và khoảng 7% các trường hợp mắc ung thư biểu mô tế bào gan ở Việt Nam.

Tiếp đến việc sử dụng rượu bia thường xuyên là nguyên nhân quan trọng của xơ gan. Xơ gan do rượu chiếm khoảng 15% các trường hợp mắc ung thư biểu mô tế bào gan.

Ngoài ra, bệnh thừa sắt, bệnh di truyền tyrosin huyết và bệnh viêm gan mạn tự miễn thể hoạt động là nguyên nhân gây xơ gan và làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào gan.


Hệ thống đốt nhiệt u gan bằng sóng Viba tại Bệnh viện K. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống.


Điều trị thế nào?

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, để điều trị ung thư gan, ngoài các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, dùng thuốc nhắm trúng đích, hiện có thêm các phương pháp nút mạch, đốt sóng cao tần, đốt u bằng vi sóng, laser, điện đông, tiêm cồn tuyệt đối qua da, ghép gan...

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào vị trí, kích thước, giai đoạn của bệnh cũng như các bệnh lý kèm theo cũng có vai trò trong việc lựa chọn phương pháp điều trị. Trong các phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào gan, phẫu thuật là ưu tiên lựa chọn hàng đầu vì giúp lấy bỏ được khối u.

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật cắt gan, các phương tiện hỗ trợ cho cuộc mổ, các phương tiện hồi sức sau mổ,… chỉ định cắt gan hiện nay đang ngày càng được mở rộng, đem lại cơ hội sống cao hơn cho người bệnh.

Ngoài ra, ghép gan là phương pháp mang lại hiệu quả cao đối với những bệnh nhân mắc ung thư gan. Một số bệnh viện như Việt Đức, Chợ Rẫy đã thực hiện thường quy các ca ghép gan. Trong đó, Bệnh viện Việt Đức ghép được hơn 62 ca (chiếm 50% các ca ghép gan cả nước). Tuy nhiên, do chi phí ghép gan khá cao (khoảng 1,5 tỷ đồng/ca ghép) và nguồn gan ghép rất khan hiếm của nguồn tạng, số lượng gan ghép chỉ đáp ứng khoảng 10-15% nhu cầu.

Cùng với việc điều trị các khối u gan bằng sóng cao tần (RFA), từ tháng 3/2019, Bệnh viện K đã đưa hệ thống đốt nhiệt u gan bằng sóng Viba (MWA) vào hoạt động làm tăng thêm sự lựa chọn cho người bệnh.

Việc sử dụng sóng điện từ trong phổ năng lượng vi sóng (300 MHz đến 300 GHz) có thể tạo hiệu ứng đốt cháy mô. Đây là phương pháp an toàn cho người bệnh, xâm lấn tối thiểu, nhiệt độ vùng đốt cao, ít bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tản nhiệt, không hóa than quanh kim, không cần miếng đối đất, không gây nhiễu màn hình siêu âm, kích thước vùng đốt có thể tiên đoán,... nên thời gian hồi phục của bệnh nhân nhanh.

Do đó, phương pháp này có thể áp dụng trên phòng mổ, phòng thủ thuật cho những bệnh nhân có khối u gan có đường kính lớn nhất tới 6 cm hoặc 3 khối u có đường kính dưới 3 cm, hoặc các tổn thương gần mạch máu...

Căn bệnh ung thư nào có tỷ lệ mắc mới lớn nhất tại Việt Nam? Reviewed by PROCDHA on tháng 6 06, 2020 Rating: 5
YKHOA247 © 2015
Bản quyền thuộc về MENU

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.