X-quang: Lâu đời nhưng có lỗi thời?

Ra đời từ cuối thế kỉ 19, Xquang luôn đóng một vai trò nhất định. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ứng dụng của chúng cũng trở nên hạn chế hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Xquang vẫn được xem là một phương tiện đầu tay trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Vậy, tại sao kỹ thuật này vẫn còn giữ được vị thế của mình? Ưu điểm của chúng là gì? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết: “X-quang: lâu đời nhưng chưa lỗi thời”

1. Xquang là gì?

Xquang là một phương pháp thường được sử dụng để dựng lại hình ảnh các bộ phận bên trong cơ thể. Chúng tỏ ra rất ưu thế trong đánh giá các tổn thương ở xương. Không những vậy, kỹ thuật này còn hỗ trợ chẩn đoán một số tình trạng bệnh lý khác.

2. Xquang hoạt động như thế nào?

Tia X là một loại tia phóng xạ được phát hiện năm 1895 bởi một giáo sư vật lý học người Đức. Chúng có khả năng đi xuyên qua cơ thể mà chúng ta không hề nhìn thấy hay cảm nhận được.
Khi tia X đi qua cơ thể người, năng lượng của chúng sẽ được cơ thể hấp thụ. Sự hấp thụ này nhiều hay ít tùy thuộc vào từng bộ phận khác nhau. Phần tia còn lại sẽ được một đầu dò đặt phía bên kia cơ thể thu nhận. Tín hiệu từ đầu dò sau đó được chuyển tới máy tính và chuyển thành các hình ảnh ta nhìn thấy được.
Những phần cứng (xương) ít để tia X xuyên qua, sẽ thể hiện bằng các vùng sáng màu. Ngược lại, những phần mềm (như phổi và tim) sẽ cho các vùng tối màu hơn.

3. Xquang được sử dụng khi nào?

Xquang có thể được sử dụng để đánh giá gần như toàn bộ cơ thể. Nhưng ứng dụng chủ yếu của phương pháp này là để quan sát xương và khớp.
Những vấn đề thường phát hiện được trên phim Xquang bao gồm:
  • Nứt xương và gãy xương
  • Mất răng, áp-xe khoang miệng,…
  • Gù/vẹo cột sống, thoái hóa cột sống,…
  • Bướu xương lành tính hay ác tính.
  • Viêm phổi, ung thư phổi,…
  • Ung thư vú.
  • Lớn tim.
Ngoài ra, Xquang còn được dùng để hỗ trợ điều trị. Chẳng hạn như trong nong mạch vành, catheter (một ống mỏng, dài và mềm) được đưa vào động mạch bị hẹp nhờ sự chỉ dẫn của kỹ thuật này.

4. Các bước chuẩn bị cần những gì?

Nhìn chung, người bệnh không phải chuẩn bị gì quá đặc biệt. Họ vẫn có thể ăn uống bình thường cũng như không cần ngừng thuốc trước khi chụp phim. Tuy nhiên, nếu người bệnh được yêu cầu thực hiện với thuốc cản quang, những qui định này có thể sẽ khác.
Trước khi chụp, người bệnh cần cởi bỏ kính mắt, nữ trang và các vật dụng làm bằng kim loại vì có thể làm sai lệch kết quả thu được.
Và quan trọng nhất là: Hãy báo cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên biết nếu bạn đang có thai hoặc nghi ngờ có thai! Vì trừ trường hợp khẩn cấp, kỹ thuật này không được khuyến cáo sử dụng do khả năng gây ra các dị tật cho thai nhi.
Xquang 1
Hình 1: Hãy báo ngay cho nhân viên y tế nếu bạn đang có thai hoặc nghi ngờ có thai!

5. Quy trình chụp Xquang như thế nào?

Phim có thể được chụp ở nhiều tư thế khác nhau như đứng, nằm, nghiêng hay chếch,… Điều này phụ thuộc vào từng vùng của cơ thể cần được khảo sát. Đôi khi, người bệnh phải thực hiện nhiều hơn một phim ở nhiều góc độ để cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết. Quá trình này thường diễn ra như sau:
Đầu tiên, người bệnh được hướng dẫn vào đúng tư thế. Sau đó, đầu đèn của máy Xquang sẽ được kỹ thuật viên hướng về phần cơ thể cần khảo sát. Tiếp theo, họ hít một hơi thật sâu và nín thở để giữ cho hình ảnh thu được không bị nhòe. Lúc này, từ phòng bên cạnh hoặc từ sau một tấm chắn, kỹ thuật viên bấm nút chụp và máy sẽ bắt đầu ghi hình.
Xquang 2
Hình 2: Tư thế chụp Xquang thông thường
(film plate: tấm phim dùng ghi hình ảnh/ X-ray tube: đầu đèn phát ra tia X)

6. Kết quả được xử lý như thế nào?

Phim Xquang thường được bác sĩ hình ảnh học đánh giá đầu tiên. Đây là những chuyên gia trong lĩnh vực này. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, họ sẽ đưa ra các chẩn đoán một cách khách quan.
Xquang 3
Hình 3: Bác sĩ hình ảnh học là người đầu tiên đánh giá kết quả
Kết quả này sau đó sẽ được gửi đến vị bác sĩ yêu cầu chụp phim, người sẽ thảo luận với bạn về tình trạng của mình.

7. Chụp Xquang có gây khó chịu gì không?

Trừ trường hợp sử dụng thuốc cản quang, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ tạm thời. Chẳng hạn:
  • Barium có thể làm đổi màu phân trong vài ngày,
  • Thuốc ức chế co bóp dạ dày có thể làm mờ mắt trong vài giờ
Còn lại, quá trình này diễn ra rất nhanh và người bệnh hoàn toàn không cảm thấy gì. Họ có thể trở về nhà và làm việc ngay sau đó.

8. Chụp Xquang có an toàn không?

Ai cũng biết rằng tia X có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư sau này. Tuy nhiên, phần cơ thể được khảo sát chỉ tiếp xúc với liều lượng rất thấp trong thời gian rất ngắn. Do đó, nguy cơ này là rất nhỏ (chỉ khoảng 1 trường hợp trong số 1.000.000 người đã từng chụp phim).
Dù vậy, cũng cần phải cân nhắc kĩ càng trước khi đưa ra chỉ định. Đừng ngần ngại thảo luận thêm với bác sĩ nếu bạn vẫn còn cảm thấy lo lắng nhé!
Ngày nay, Xquang vẫn đóng vai trò nhất định trong nền y học hiện đại. Chúng tỏ ra rất hiệu quả trong đánh giá tổn thương ở xương (như gãy xương, nứt xương,…).
Để chụp một phim Xquang khá đơn giản và nhanh chóng. Quá trình này không hề gây khó chịu cho người bệnh và nguy cơ dẫn đến ung thư cũng rất nhỏ. Do đó, đừng vì quá lo lắng mà từ chối chụp phim bạn nhé, lợi ích mang lại có thể to lớn hơn nhiều đấy!

Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An 
X-quang: Lâu đời nhưng có lỗi thời? Reviewed by PROCDHA on tháng 6 07, 2020 Rating: 5
YKHOA247 © 2015
Bản quyền thuộc về MENU

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.